Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Vượt gần 2000 km chỉ để học Internet Marketing

Một mình đạp xe 1.800 km đi học khởi nghiệp


Ví 1.800 km từ Hà Nội vào TP HCM như quá trình lập nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Hưng chọn chiếc xe đạp làm phương tiện, vừa để thử thách bản thân, vừa mong học được những kỹ năng cần thiết qua việc trải nghiệm.
> Dự án kinh doanh bạc tỷ của giới trẻ
> Tỷ phú Việt khởi nghiệp với 2 USD trên đất Mỹ


Anh Hưng (ở Hà Nội) vừa trúng tuyển tham gia một khóa huấn luyện về khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet, di động sắp diễn ra tại TP HCM. Nhiều lần bay ra bay vào TP HCM, nhưng lần này anh thử sức chọn xe đạp làm phương tiện băng qua quãng đường 1.800 km, với mục đích tự trải nghiệm bản thân và học tất cả những gì diễn ra trong và sau cuộc hành trình. "Mình muốn làm để thử thách bản thân, trải nghiệm và học những kỹ năng khởi nghiệp cần thiết từ chính chuyến đi", anh Hưng nói.

Anh Nguyễn Ngọc Hưng trên chặng đường Thanh Hóa - Nghệ An.

Theo đó, 4h30 sáng ngày 9/5, anh Nguyễn Ngọc Hưng, sống ở Hà Nội bắt đầu chặng đường 1.800 cây số vào TP HCM bằng xe đạp. Những vật dụng cần thiết, nhỏ gọn nhất được mang theo như bông băng y tế, dầu gió, thuốc dự phòng, lương khô, chai sạch đựng nước, túi nilon, đồ dùng cá nhân và laptop để làm việc...

Tổng thời gian anh Hưng đạp xe trên đường 3 ngày đầu tiên là hơn 25 tiếng (tính theo đồng hồ điện tử được anh mang theo). Đến cuối ngày 11/5, anh đã vượt qua hơn 400 cây số, đang trong cuộc hành trình chinh phục Đèo Ngang. Tốc độ trung bình 16-20 km mỗi giờ, còn những đoạn leo đèo ngược gió, vận tốc là 8 km.

"Đã leo dốc mà lại còn thêm gió ngược chiều, những lúc thế này chắc đi bộ còn nhanh hơn. Gió khiến việc lao xuống dốc không còn nghĩa lý gì, vì bạn thả phanh cũng chẳng chạy được bao nhiêu. Đến con dốc sau, không hiểu sao nó dài thế, lên đến nửa chừng, tất cả cơ chân cơ tay gần như bó cứng lại. Nhưng ý chính thắng sức ỳ của cơ thể, tôi đã vượt qua", anh Hưng chia sẻ trên blog cá nhân về chặng đường ngày 11/5.

Suốt quãng đường đi, không may hỏng xe, anh phải tự mày mò sửa chữa. Đêm đến cần thuyết phục người dân địa phương đồng ý cho vào ngủ nhờ. Ngoài ra, do đi một mình nên nếu kết thúc chặng đường bất hợp lý nơi đèo vắng, rừng heo hút, anh cũng có thể gặp nhiều nguy hiểm. Từ những tình huống trên đường, anh Nguyễn Ngọc Hưng tin có thể rèn luyện được những kỹ năng cần thiết cho công việc như khả năng thuyết phục, xử lý sự cố, làm chủ thời gian, kế hoạch... Bởi vậy, anh gọi 1.800 cây số lần này của mình là hành trình lập nghiệp mini.

Thông thường, với một cuộc chuyến xuyên Việt bằng xe đạp, một người sẽ mất 15 ngày trở lên. Nhưng anh Hưng buộc phải hoàn thành kế hoạch này trong 12 ngày để kịp tham gia khóa học vào ngày 22/5 tới.

Đang triển khai dự án thiết kế phần mềm dành cho smartphone với số vốn ban đầu hơn 2 tỷ đồng, anh Hưng cho biết khóa học tại TP HCM khá quan trọng. Đó là cơ hội để anh tạo mối quan hệ, học kinh nghiệm khởi nghiệp và kêu gọi đầu tư từ những doanh nhân thành đạt trên thế giới.

Trên dọc hành trình, để tránh các bác tài ngược chiều lấn làn đường, anh Hưng "thiết kế" chiếc bảng một mặt đề "Đừng vượt", một mặt ghi chữ "Đi chậm".

Ý tưởng đạp xe xuyên Việt tình cờ đến với anh hồi cuối tháng 4, khi gặp một bạn người Italy đi vòng quanh Đông Nam Á bằng xe đạp. "Mượn xe của bạn nước ngoài một tối, tôi đạp suốt 3 tiếng qua Hồ Gươm, Hồ Tây, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cảm giác thật thú vị nên quyết thử thách bản thân cho chuyến đi dài", anh Hưng tâm sự.

Sau 2 tuần tập luyện, tham gia vào các diễn đàn để học hỏi kinh nghiệm, anh Nguyễn Ngọc Hưng chuẩn bị đồ đạc lên đường. Đến phút chót thì người bạn đồng hành "bỏ cuộc". Thừa nhận, khi đó có đôi chút dao động song anh Hưng vẫn quyết thực hiện, dù vấp phải không ít phản đối, nghi ngại và lo lắng của gia đình. Thậm chí, trước đó, anh từng nghe tin một anh bạn đuối sức, phải truyền nước giữa đường... lấy sức quay về cũng trong cuộc hành trình xuyên Việt tương tự.

Chị Đặng Thị Thuy Thùy, phó giám đốc chi nhánh TP HCM của đơn vị tổ chức khóa học mà anh Hưng chuẩn bị tham gia chia sẻ, không loại trừ khả năng anh Hưng sẽ không thể hoàn thành được chặng đường dài gần 2.000 km. Tuy nhiên, theo chị, khởi nghiệp là như vậy, dám nghĩ, dám làm, dám thử thách bản thân, không sợ thất bại và sẵn sàng làm lại. "Chúng tôi đã lên kế hoạch động viên và hỗ trợ Hưng trên suốt dọc đường đi từ Bắc vào Nam", chị Thùy nói.

Trích từ "vnexpress.net" ngày 12-5-2012

Chúc mừng anh Hưng
Chắc chắn dự án của anh sẽ thành công !

Em của Mr. Try

Hơn 1 triệu sinh viên thất nghiệp năm 2011.. hic hic

63 % sinh viên Việt Nam trên bờ vực tuyệt vọng, 37% còn lại phần nhiều ngáp ngáp với các công việc trái ngành nghề. Thế là cả thảy 1,7 triệu nhân tài Việt Nam rơi vào cảnh bấp bênh đến nỗi một công việc tưởng như có giá như chuyên viên tài chính cũng lên xuống y hệt một ông sales thời khủng hoảng..


Đã 12h trưa tại sàn giao dịch việc làm trên đường Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Nguyễn Quang Minh vẫn chúi đầu vào mục rao vặt trên các tờ báo, hi vọng tìm được một công việc phù hợp để chấm dứt quãng thời gian đằng đẵng không lương ở cơ quan cũ.


Anh Minh sinh năm 1978, từng theo học ngành Tài chính kế toán (Đại học Phương Đông). Thời kỳ ra trường anh tìm việc rất dễ dàng.

"Cách đây 10 năm, kiếm một công việc làm rất đơn giản. Tôi vừa ra trường đã được nhận về một công ty lớn. Lúc chán tôi lại chuyển vài công ty khác mà chẳng thấy khó khăn gì. Không lâu sau đó, tôi đầu quân cho một công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tàu biển, trụ sở ở Hàng Trống, Hà Nội", anh kể.

10 năm qua, anh Minh gắn bó với công ty này dưới chức vụ một chuyên viên tài chính, công việc chủ yếu là huy động, phân bổ vốn. Thu nhập từ nghề cũng đảm bảo cho anh cuộc sống ổn định.

Thế nhưng gần đây, công ty làm ăn thu lỗ, không có mối kinh doanh. Anh Minh lâm vào cảnh không có việc để làm và 6 tháng rồi không được trả lương.

Anh tâm sự: "Có ngủ tôi cũng chẳng thể ngờ công việc từng là mơ ước của bao nhiêu người giờ lại không thể nuôi sống tôi. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, tôi sẽ không còn tiền để nuôi vợ và hai đứa con nữa. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi buộc phải tìm một công việc mới".

Bữa nay là lần đầu tiên anh Minh qua trung tâm này kiếm việc. Anh dự định sẽ tìm những việc về lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng nhưng rồi sau nửa ngày tìm kiếm, người đàn ông này đành buồn bã ra về.

Bước thẩn thờ giữa trời nắng gay gắt, khuôn mặt anh lộ rõ vẻ chán nản: "Tôi cứ nghĩ mình có trình độ, có kinh nghiệm thì sẽ dễ có việc làm thôi. Thực tế không phải vậy, có rất nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp những trường đại học danh giá với bằng loại ưu vẫn đang xếp hàng dài chờ việc. Họ có tuổi trẻ, năng động và quan trọng hơn, họ dám chấp nhận bắt đầu từ con số 0, trong khi tôi vẫn chưa sẵn sàng với việc đó".

Phiên giao dịch việc làm tại một trung tâm trên đường Trung Kính (Cầu Giấy) vào ngày 10/5 thu hút khoảng 2.000 người tham gia. Ảnh: Phan Dương.

Cũng "thảm cảnh" như anh Minh, nửa năm nay Nguyễn Thị Huyền (Thái Nguyên) đau đầu vì mình là kẻ "vô công rồi nghề".

Huyền tốt nghiệp loại khá ngành Kế Toán, Đại học Thương mại (Hà Nội). Trong thời sinh viên cô đi thực tập cho một công ty nhỏ ở Mỹ Đình (Từ Liêm) nên ra trường liền xin về đó làm việc. Trước đây 6 tháng, Huyền có công việc đáng để nhiều bạn mơ ước.

Cô nói: “Tôi làm gần nhà trọ, công việc ít phải đi lại, lương cũng tương đối. Những tưởng mình sẽ ổn định cho đến khi tìm được chỗ mới tốt hơn. Ai dè đùng một cái, công ty giảm bớt nhân viên, tôi thuộc diện phải ra đi đầu tiên”.

Gần nửa năm nay Huyền lang thang nộp hồ sơ rất nhiều nơi nhưng không công ty nào gọi đi phỏng vấn. Ngoài tự tìm việc, cô cũng nhờ anh em, bạn bè giới thiệu nhưng cũng chưa được mối nào. Thành thử, cả ngày Huyền ở nhà làm “bảo mẫu” cho cô bạn cùng phòng.

“Tôi thật chẳng dám nghĩ đã nửa năm rồi, tôi thui thủi trong bốn bức tường, cả ngày ôm cái laptop tìm việc. Nhiều khi áp lực, xấu hổ, chán nản làm tôi thấy mình là một kẻ vô dụng, bất lực. Đầu lúc nào cũng muốn nổ tung, không thiết sống. Thực sự kiếm một công việc khó thế sao?”, cô gái trẻ tự hỏi.

Dù có việc nhưng cô bạn cùng phòng với Huyền cũng không mấy khá hơn. "Cô ấy làm việc cho công ty của người quen nhưng một năm nay mà mức lương vẫn giậm chân ở mức 1,5 triệu đến 1,8 triệu. Dù chán nhưng cô ấy cũng không dám bỏ vì biết chắc sẽ không tìm được việc".

Không còn ảo tưởng về nghề nghiệp như ngày mới ra trường, giờ đây Huyền chỉ mong tìm được một việc thu ngân hay bán hàng gì đó để lấy kinh nghiệm. "Giá như có việc, sáng nào cũng sửa soạn đi làm, chiều tối lại về thì sẽ hãnh diện làm sao”, Huyền nói.

Dù làm trái ngành hay làm nhân viên kinh doanh với mức lương bập bõm nhưng nhiều người vẫn chấp nhập để có một công việc. Ảnh: Phan Dương.

Là kĩ sư xây dựng ra trường từ năm ngoái, vừa ra trường đã được nhận thẳng về một công trình thế nhưng 3 tháng gần đây, Nguyễn Mạnh Quỳnh (Thanh Hóa) luôn sống trong cảnh nhịn đói qua đêm vì thất nghiệp.

Công việc đầu đời của Quỳnh là tại một công ty xây dựng ở khu vực cầu Vĩnh Tuy (Thanh Trì, Hà Nội). Ngoại trừ việc hay phải trực đêm thì cậu hoàn toàn hài lòng nó. Nhưng rồi cơn bão suy thoái kinh tế cũng ập đến cơ quan, Quỳnh phải dứt áo ra đi.

“Vì kinh tế suy thoái mà lương trả rất chậm, làm tháng này tận hai tháng sau mới có lương. Lúc nào tôi cũng sống trong cảnh túng thiếu. Ai đời thanh niên trai tráng lại đi xin tiền ông già, ấy thế mà tôi cứ phải muối mặt xin bố mẹ liên tục".

Với suy nghĩ "bỏ chỗ này kiếm việc chỗ khác, mình có kinh nghiệm, bằng cấp thì lo gì", Quỳnh mang 10 bộ hồ sơ rải khắp các công ty xây dựng, hồ hởi chờ cơ hội đến.

"Một tháng, hai tháng, ba tháng nhưng tất cả đều biệt tăm. Tôi không có việc làm nên cả ngày chỉ chơi bời. Hết đi đàn đúm, cà phê rồi dạt nhà đi chơi vài hôm, đã túng lại càng túng”, cậu bộc bạch.
Cách đây 2 tuần, Quỳnh thi tuyển vào một doanh nghiệp lớn. Tuy khả năng đậu là không tưởng nhưng cậu vẫn kỳ vọng: “Chỉ còn một ngày nữa là biết kết quả thôi. Hoặc là tất cả hoặc là không có gì”, chàng trai tâm sự trên Facebook.
Rồi cơ hội này lại tuột khỏi tay Quỳnh. Cùng đường, cậu đành về quê để tiết kiệm chi phí. Nghe bạn bè nói lại rằng Quỳnh không bám trụ thủ đô nữa mà sẽ nhờ người xin việc ở quê.
Một chuyên viên tư vấn tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết trong thời điểm hiện tại có rất nhiều người đến trung tâm tìm việc, không kể là sinh viên vừa ra trường hay người đã đi làm lâu năm.
"Muốn đi làm nhiều người phải chấp nhận làm trái nghề hay thậm chí đi lao động phổ thông để có chi phí vượt qua thời điểm khó khăn", chuyên viên này cho biết thêm.
Cũng theo số liệu của Trung tâm này thì trong 4 tháng đầu năm nay số người đăng kí thất nghiệp đã tăng gấp đôi so với cùng kì năm ngoái. Chỉ riêng tháng 10/2011, số người xin trợ cấp thất nghiệp đã là 2.300 người, gần bằng cả năm 2010.
Theo điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trong năm 2011, cả nước có 63% sinh viên tốt nghiệp đại học cao đẳng trong cả nước ra trường không có việc làm. Chỉ 37% có việc làm nhưng nhiều người làm trái nghề hoặc phải qua đào tạo lại.

Trích:

"Tuyệt vọng tìm việc thời kinh tế suy thoái"


Tôi cũng đang thất nghiệp đây.. ặc ặc.. Tuy nhiên, hãy cố gắng lên nhé .. Các bạn trẻ hơn tôi .. phải thành công hơn tôi thôi.. Cố lên nhé. 

 

Em của Mr. Try 



Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Bỏ nghề ... 1 quyết định khó khăn

Lúc tôi học nghề xây dựng, xây dựng đang thịnh. Khi tôi học xong thì kinh tế lại thịnh. Thế đấy tất cả thật trớ trêu đến mức bạn chẳng biết đâu là bến bờ cho bạn dừng lại. Thế là tôi lại học kinh tế.. Và dòng thời gian lại cứ trôi.. tôi lại miên man bên những cặp sách như các em học sinh tung tăng đến trường tìm những bài học hay. Và rồi khi tôi biết được sự thật phũ phàng từ chính ngôi trường đào tạo, liệu tôi có nên bỏ nghề..

(còn tiếp..)